Hotline

Archive for May, 2024

Cây ăn trái sân vườn

Posted on: May 28th, 2024 by Công ty Hữu Thiên 1 Comment

Ngoài những cây cảnh quan có dáng đẹp, việc lựa chọn những loại cây có trái mang đến sự đa dạng cho sân vườn. Cây ăn trái giúp cho sân vườn trở nên mộc mạc, gần gũi. Bên cạnh đó, thành quả gặt hái được từ sự nở hoa, kết trái mang ý nghĩa về tài lộc và thịnh vượng cho gia chủ.

Tùy vào điều kiện sân vườn mà chúng ta lựa chọn cây ăn trái phù hợp. Các loại cây được đưa vào sử dụng cần phải cân bằng với không gian, đẹp mắt, tăng sự xanh mát. Đảm bảo được sự sinh trưởng của cây. Hãy cùng Hữu Thiên tìm hiểu về một số loại cây ăn trái. Các loại phổ biến được trồng trong các sân vườn biệt thự ở nước ta như bài viết sau đây.

10 cây ăn trái trang trí sân vườn:

Cây Dừa

Cây Chà Là

Cây Sa kê

Cây Xoài

Cây Bưởi

Cây Khế

Cây Vú Sữa

Cây Ổi

Cây Mít

Cây Mận

Cây Dừa

Cây Dừa có tên khoa học là Cocos Nucifera, thuộc họ Cau. Đây là một loài cây có có mặt khắp nơi ở các vùng nhiệt đới.

Đặc điểm của cây Dừa

Thân gỗ, mọc thẳng, không phân nhánh, rễ chùm, chiều cao cây có thể đạt 30m. Dừa có nhiều loại như dừa ta, dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm lùn, dừa xiêm núm, dừa dâu, dừa dứa, dừa ẻo, …. Trong đó, dừa xiêm với chiều cao vừa phải là loại phổ biến trồng trang trí sân vườn, tạo cảnh quan.

Gốc dừa giống cao thường phình to, gốc dừa giống lùn thường nhỏ.

Lá kép lông chim, dài 4-6 m, lá chét dài 60-90 cm. Một cây dừa thường có khoảng 30-35 tàu lá.

Hoa đơn tính cùng gốc, hoa cái to hơn nhiều so với hoa đực, mỗi nách lá thường mang một phát hoa. Cây cho hoa liên tục.

Quả hạch, nhân cứng, gồm có ba phần là ngoại quả bì (phần vỏ), trung quả bì (xơ dừa) và nội quả bì (gáo, nước và cơm dừa).

Các lưu ý khi trồng cây Dừa

Cây dừa ưa sáng, phát triển tốt ở nơi thoáng đãng, nhận được đầy đủ ánh sáng mặt trời. Với dáng cao, thanh mảnh, tán lá xòe gọn gàng, cây dừa thường được trồng trang trí sân vườn phong cách làng quê, trồng dọc lối đi tại các khu du lịch, khu đô thị. Cây rất thích hợp trồng ở các resort, khu nghỉ dưỡng ven biển do đặc tính sống được trên đất cát, khả năng chống chịu mặn tốt.

Đất trồng nên là đất thịt cát pha, tơi xốp, thoát nước tốt.

Nhu cầu nước của cây non nhiều, nên tưới nước thường xuyên 1-2 lần mỗi ngày và giảm dần khi cây trưởng thành. Tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Không nên tỉa bỏ các tàu lá non sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Thường xuyên loại bỏ các tàu lá già, chà dừa, mo hoa héo vàng để cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

Cây dừa có thể bị tấn công bởi các loaị gây hại như sâu bệnh, kiến vương, con đuông… Cần theo dõi quá trình phát triển của cây và sử dụng thuốc chữa trị kịp thời.

Tính hữu dụng

Ngoài giá trị thẩm mỹ, cây dừa có tính ứng dụng rất cao bởi hầu như các bộ phận của cây đều hữu dụng. Quả dừa cho nước uống giải khát, cung cấp dinh dưỡng. Cơm dừa dùng để ăn, sản xuất nước cốt dừa, làm dầu dừa, mứt dừa… Xơ dừa dùng làm nguyên liệu đốt, hoặc sản xuất các mặt hàng gia dụng như dây thừng, thảm, bàn chải… Gáo dừa dùng để đốt, làm than hoạt tính, hoặc đồ thủ công mỹ nghệ… Lá dừa làm đồ gia dụng như chổi, đan giỏ, thảm hoặc dùng để lợp mái nhà. Thân dừa được sử dụng trong xây dựng, đóng đồ nội thất. Rễ dừa có thể làm thuốc nhuộm.

Cây Chà Là

Cây Chà Là có tên khoa học là Phoenix dactylifera, thuộc họ Cau. Đây là một loài cây được trồng rộng rãi ở Châu Phi, Trung Đông, Nam Á, Úc, California.

Đặc điểm của Cây Chà Là

Thân thẳng, vỏ màu xám bạc, sần sùi với phần còn lại của những chiếc lá đã rụng. Chiều cao trung bình từ 3-6m và có thể đạt 30m trong điều kiện phát triển tốt.

Lá kép lông chim giống lá dừa, dài khoảng 4-6m, lá chét mảnh, dài khoảng 30cm, rộng 2cm, đầu nhọn cứng, cuống lá màu vàng có gai dài.

Hoa đơn tính, mọc thành cụm. Hoa đực nhỏ và dẹp, gồm 5 cánh, màu nâu kem. Hoa cái tròn hơn hoa đực, cuống hoa màu xanh nhạt.

Quả hạch, hình bầu dục, dài từ 3-7cm, cứng, khi non có màu xanh, sau đó chuyển dần sang vàng tươi và nâu đỏ khi chín. Bên trong có 1 hạt và lớp bột dày, ngọt và giàu dinh dưỡng.

Cây chà là có cây đực và cây cái. Cây đực không có trái. Cây cái cần thụ phấn từ hoa đực để đậu trái.

Các lưu ý khi trồng cây Chà Là

Cây chà là ưa sáng, thích hợp trồng ở nơi thoáng đãng, nhiều nắng và không bị che bóng. Với dáng cao và khá sang trọng, cây chà là được sử dụng trồng tạo cảnh trong sân vườn biệt thự, nơi có khuôn viên rộng. Những chùm quả của cây chà là cái đẹp, vừa để trang trí, vừa là thực phẩm có hương vị ngon ngọt, có thể dùng tươi hay sấy khô.

Khả năng chịu hạn tốt, không cần tưới nước nhiều cho cây, chỉ cần tưới 1-2 lần mỗi tuần tùy điều kiện thời tiết.

Cây có thể thích nghi với những nơi khô hạn hoặc đất mặn. Tuy nhiên, cần bón phân định kỳ để đảm bảo sự tăng trưởng và ra hoa, kết trái.

Nhân giống cây Chà là bằng cách gieo hạt hoặc nuôi cấy mô.

Gỗ chà là có thể sử dụng trong xây dựng và làm nhiên liệu đốt. Lá chà là có thể dùng đan giỏ, chiếu và làm quạt. Sợi gỗ sử dụng để làm vải thô, dây thừng…

Cây Sa kê

Cây Sa kê (Cây Xa kê, cây bánh mì) có tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ Dâu tằm. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Malaysia và các đảo ở Thái Bình Dương.

Đặc điểm của Cây Sa kê

Thân gỗ, vỏ láng, nhựa mủ màu trắng sữa, tán rộng và dày, rễ cọc có chùm rễ phụ. Chiều cao cây có thể đạt 20 m.

Lá to và dày, dài khoảng 50cm, chia 3-9 thuỳ, nhọn đầu, mặt trên xanh bóng, mặt dưới nhám, cuống to, lá rụng để sẹo trên cành.

Hoa lưỡng tính, mọc thành cụm, hoa đực ra trước hoa cái.

Quả hình trứng, dài khoảng 12-20 cm, có gai nhẹ, khi non màu xanh nhạt, xanh vàng và chuyển sang màu vàng khi chín. Một cây có thể cho tới 200 quả mỗi năm. Quả có thể chế biến thành nhiều món ăn. Quả Sa kê còn được gọi là quả bánh mì vì kết cấu giống bánh mì sau khi nướng, vị lại giống khoai tây.

Các lưu ý khi trồng cây Sa kê

Cây Sa Kê ưa sáng, nên trồng ở nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời để cây quang hợp tốt. Tán lá dày với những chiếc lá xòe to và đẹp mắt, cây Sa kê được ưa chuộng trồng lấy bóng mát và tạo cảnh quan sân vườn. Đây cũng là loại cây lương thực có năng suất cao.

Cây thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta.

Khả năng thích nghi của cây tốt, có thể sống ở vùng đất ven biển hoặc trên núi cao.

Đất trồng nên là đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Cây cần được giữ ẩm, tưới nước từ 1-2 lần mỗi ngày tuỳ thuộc vào thời tiết.

Sa kê có gỗ cứng và khá giòn, vì vậy nên thường xuyên tỉa bớt cành nhánh mọc dài và yếu để đảm bảo an toàn.

Nhân giống cây Xa kê thường bằng cách giâm cành.

Ngoài các công dụng làm đẹp sân vườn, lấy bóng mát và làm thức ăn, cây Sa kê còn được sử dụng trong y học. Rễ cây sa kê dùng để trị ho, hen suyễn, rối loạn dạ dày, đau răng… Vỏ cây có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu… Nhựa cây sa kê trị tiêu chảy, lỵ. Lá có tác dụng kháng viêm, lợi tiểu, trị tiêu chảy, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gút…

Gỗ cây Sake được sử dụng trong xây dựng. Ngoài ra, loại gỗ này có khả năng chống mối và các loài hà, do vậy được nhiều nơi sử dụng để làm ca nô. Lõi gỗ dùng làm giấy.

Cây Xoài

Cây Xoài tên khoa học là Mangifera Indica, thuộc họ Điều (Đào lộn hột). Đây là một loài cây được cho là có nguồn gốc từ Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ.

Đặc điểm của Cây Xoài

Thân gỗ lớn, vỏ màu nâu sẫm, phân nhiều cành nhánh, chiều cao có thể đạt tới 30 m, rễ cọc và tỏa ra khoảng 2m quanh gốc.

Lá đơn, mọc so le, hình bầu dục thuôn, dài từ 15-30 cm, nhọn đầu, mặt trên màu xanh đậm nhẵn bóng, mặt dưới xanh nhạt hơn, mép nguyên, gân chính và phụ nổi rõ ở mặt dưới lá.

Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mọc thành chùm dài khoảng 30 cm.

Quả hạch to, hình bầu dục, hình thận hoặc hình trứng, khi non màu xanh và cứng, khi chín chuyển dần sang màu vàng và mềm. Quả có vị chua và ngọt, mùi thơm. Bên trong có 1 hạt to, vỏ cứng và nhiều thớ sợi.

Ở nước ta, cây xoài có các loại như sau:

Các lưu ý khi trồng cây Xoài

Cây Xoài ưa sáng, chịu nắng nóng, thích hợp trồng ở nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời. Đây là cây vừa cho bóng mát, vừa cho quả ngọt, mang đến sự dân dã khi trồng trang trí sân vườn, khuôn viên biệt thự, quán café, khu du lịch.

Khả năng chịu hạn và chịu lạnh tốt, dễ trồng và dễ chăm sóc.

Cây Xoài không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất như đất khô cằn, đất sỏi, đất vàng. Tuy nhiên, để cho cây phát triển tốt thì nên trồng ở đất thịt, giàu dinh dưỡng, bón phân định kỳ.

Tưới nước cho cây từ 2 đến 3 lần mỗi tuần tùy điều kiện thời tiết.

Nhân giống cây bằng cách gieo hạt, chiết cành, ghép cành.

Cây Bưởi

Cây Bưởi có tên khoa học là Citrus maxima, thuộc họ Cam. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á.

Đặc điểm của Cây Bưởi

Thân gỗ lớn, vỏ màu nâu vàng, sần sùi, phân nhiều cành nhánh, cành có gai nhọn và rụng khi cành già.

Lá hình bầu dục, dài khoảng 10-15 cm, mép nguyên, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới có màu nhạt hơn, có mùi thơm.

Hoa có 4-6 cánh dày, màu trắng ngà, nhị vàng, mọc thành chùm từ 6-10 bông ở ngọn cành hoặc kẽ lá, hương thơm dịu mát.

Quả hình cầu, đường kính từ 15-20 cm, màu xanh và vàng cam. Bên trong có phần cùi màu trắng, múi dày, vị chua ngọt, ngọt và thơm, có hoặc không có hạt.

Một số giống bưởi ở nước ta như sau:

Các lưu ý khi trồng cây Bưởi

Cây Bưởi ưa sáng, thích hợp trồng ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng mặt trời. Cây có lá thường xanh quanh năm, kích thước lá khá to và tán lá dày, cây Bưởi mang đến hiệu quả trong việc tạo bóng mát sân vườn. Bên cạnh đó, vào mùa hoa bưởi nở, hương thơm dịu nhẹ lan tỏa khiến không gian trở nên thư thái. Cây cho trái to tròn, căng mọng, tượng trưng cho sự sung túc và thịnh vượng.

Cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới, khả năng chịu hạn và nắng nóng tốt. Tốc độ phát triển trung bình.

Cây ưa ẩm nhưng khả năng kém, do vậy cần tưới nước thường xuyên mỗi ngày sau khi trồng và giảm dần 2-3 ngày một lần sau khoảng 3 tháng, tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Đất trồng nên là đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Thường xuyên cắt tỉa cành nhánh yếu, khô héo để tạo độ thông thoáng, tránh sự tấn công của sâu bệnh.

Các bệnh trên cây Bưởi thường là sâu đục thân, nhện đỏ, ruồi đục trái, sâu vẽ bùa, bệnh muội đen… Nên theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhân giống cây Bưởi bằng cách chiết, ghép hoặc giâm cành.

Ngoai tác dụng trang trí tạo cảnh và lấy bóng mát sân vườn, cây bưởi có nhiều tác dụng như quả dùng để làm thực phẩm; tinh dầu hoa bưởi giúp thư giãn tinh thần, chữa mất ngủ; lá bưởi già trị nhức đầu, cảm sốt, nhức đầu, làm dầu gội đầu.

Cây Khế

Cây Khế có tên khoa học là Averrhoa carambola, thuộc họ Chua me đất. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Đông Nam Á.

Đặc điểm của Cây Khế

Thân gỗ, phân nhiều cành nhánh rủ xuống, thân non màu xanh và chuyển sang màu nâu, sần sùi khi già, gỗ màu trắng và dần chuyển sang đỏ. Chiều cao cây trung bình từ 5-12 m.

Lá kép, hình bầu dục, thuôn nhọn đầu, dài khoảng 4 cm, mặt dưới lá màu xanh nhạt hơn mặt trên.

Hoa hình chuông, có 5 cánh, màu hồng nhạt đến đỏ tím, mọc thành chùm tại nách là hoặc đầu cành. Cây cho hoa quanh năm.

Quả mọng nước, dài từ 8-10cm, có 5 múi, lát cắt ngang giống hình ngôi sao, màu xanh khi non và chín chuyển sang vàng.

Cây khế có hai loại là khế chua và khế ngọt. Khế ngọt có kích thước lớn hơn khế chua.

Các lưu ý khi trồng cây ăn trái Khế

Cây Khế ưa sáng, thích hợp trồng ở nơi thoáng mát, nhận được ánh sáng mặt trời. Thân cây trưởng thành không quá to, tán dày và xòe tròn, cho hoa quanh năm và trái xum xuê mang đến phong thủy tốt. Do vậy, cây khế khá được ưa chuộng trồng tạo cảnh và lấy bóng mát sân vườn. Tuy nhiên, nên hạn chế trồng cây khế trước cổng nhà do tán lá dày và rủ xuống sẽ che khuất mặt tiền, chặn tài lộc vào nhà.

Đất trồng nên là đất giàu mùn, nhiều dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Cây cần được tưới nước thường xuyên để giữ ẩm nhưng tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Cây trồng trang trí sân vườn nên được cắt tỉa thường xuyên, loại bỏ cành hư yếu, khô héo để có tán đẹp, thông thoáng tránh sâu bệnh.

Cần theo dõi và kiểm soát sâu bệnh và kịp thời xử lý để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc ghép cành.

Quả khế có tác dụng cầm máu, giảm trĩ, nước ép dùng làm thuốc hạ sốt.

Cây Vú Sữa

Cây Vú Sữa có tên khoa học là Chrysophyllum cainito, thuộc họ Hồng xiêm. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ Panama.

Đặc điểm của Cây Vú Sữa

Thân gỗ dẻo, tán rộng, chiều cao lên tới 10 – 15 m.

Lá đơn, mọc so le, hình bầu dục, dài từ 5–15 cm mép nguyên, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới có màu vàng nâu.

Hoa lưỡng tính, nhỏ, màu trắng tím, mọc thành chùm, mùi thơm ngát.

Quả hình cầu, đường kính khoảng 6cm, màu xanh nhẵn bóng, khi chín chuyển sang màu hồng nhạt hoặc màu xanh tía, thịt màu trắng, vị ngọt, hạt dẹt màu nâu và cứng.

Vú sữa có nhiều loại, tuy khác nhau về màu sắc vỏ nhưng vị ngọt và mùi thơm gần giống nhau. Một số loại cây vú sữa được trồng ở nước ta như sau:

Các lưu ý khi trồng cây ăn trái Vú Sữa 

Cây vú sữa ưa sáng, thích hợp trồng nơi đầy đủ ánh nắng mặt trời. Với tán lá dày, trái đẹp mắt và thơm ngon, cây khá được ưa thích trồng tạo cảnh trong các sân vườn biệt thư, khu sinh thái.

Cây phát triển tốt với khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ lý tưởng từ 22-34 độ C.

Đất trồng nên là đất phù sa, đất thịt nhẹ, ít chua, tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng, bón phân định kỳ.

Cây cần được tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cần thiết và không tưới quá nhiều gây ngập úng.

Cây có tán lá dày và rễ mọc nông, do vậy nên trồng ở nơi không có gió mạnh và thường xuyên cắt tỉa cành hư yếu để cây thông thoáng.

Nhân giống cây bằng cách gieo hạt hay chiết cành. Cây cho quả khoảng 3 năm sau khi trồng.

Cây Ổi

Cây Ổi có tên khoa học là Psidium guajava, thuộc họ Sim. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ.

Đặc điểm của Cây Ổi

Thân gỗ, bên ngoài có lớp vỏ già và tróc dần để lộ phần bên trong nhẵn và cứng.

Lá hình bầu dục, nhọn đầu, mép nguyên, hơi nhám, mọc đối.

Hoa lưỡng tính, nhỏ, màu trắng, gồm 5 lá đài ôm nhiều nhị hoa tua rua như pháo hoa, mọc đơn hoặc thành chùm.

Quả hình cầu hoặc bầu dục, đường kính khoảng 4 đến 12 cm, lớp vỏ bên ngoài thường sần sùi, mùi thơm đặc trưng, vị chua ngọt nhẹ.

Một số giống ổi được trồng ở nước ta như sau:

Các lưu ý khi trồng cây Ổi ăn trái

Cây ổi ưa sáng, nên trồng ở nơi nhận được ánh sáng mặt trời. Dáng cây cứng cáp khá đẹp, có thể trồng lấy bóng mát hoặc tạo dáng bonsai. Bên cạnh đó cây còn cho trái ngon, do vậy cây ổi khá được ưa chuộng trồng trang trí sân vườn.

Đất trồng nên là đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Tưới nước đều đặn từ 1-2 ngày/lần tùy điều kiện thời tiết, không tưới quá nhiều gây ngập úng.

Nên cắt tỉa, loại bỏ các cành nhánh yếu, sâu bệnh, mọc thấp để cây thông thoáng.

Nhân giống cây Ổi bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.

Quả Ổi chứa nhiều vitamin và sắt, tốt cho da và giúp hạ đường huyết đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Lá ổi có thể dùng để chữa bệnh khó tiêu, giảm tiêu chảy, kiết lỵ, viêm ruột thừa cấp.

Cây Mít

Cây Mít có tên khoa học là Artocarpus heterophyllus, thuộc họ Dâu tằm. Đây là một loại cây được thuần hóa ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Đặc điểm của Cây Mít

Thân gỗ, vỏ màu nâu xám, nhiều nốt sần, phân nhiều cành nhánh, tán thấp. Chiều cao cây có thể tới 20 m.

Lá đơn, hình bầu dục, dài khoảng 15 cm, phiến dày, mặt lá màu xanh đậm bóng láng, mặt dưới nhạt màu hơn.

Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thành chùm ở thân và các cành chính, hoa đực có hình giống đuôi sóc, hoa cái có hình bầu dục nhỏ, cụm hoa ngắn.

Quả phức, hình đa dạng, không đồng đều, đường kính lớn khoảng 15-50 cm, vỏ ngoài màu xanh vàng, chi chít gai, lớp vỏ bên trong có màu trắng hoặc vàng nhạt, mủ màu trắng, múi màu vàng khi chín, vị ngọt và thơm, mỗi múi mít chứa 1 hạt hình trứng.

Ở nước ta có nhiều giống mít đang được trồng như Mít Nghệ, Mít Thái, Mít ruột đỏ, Mít Tố Nữ…

Các lưu ý khi trồng cây Mít ăn trái

Cây Mít ưa sáng, nên trồng ở nơi nhận được ánh sáng mặt trời đầy đủ. Thân cây cao, tán rộng, lá xanh tốt quanh năm. Cây thích hợp trồng lấy bóng mát sân vườn ở các khu sinh thái, nhà hàng, khuôn viên biệt thự.

Cây thích hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở nước ta. Khả năng chịu hạn và chịu nắng nóng tốt, cây cũng có thể chịu lạnh.

Với sức sống mạnh mẽ, cây có thể trồng trên nhiều loại đất như đất khô cằn, sỏi đá. Nhưng để cây phát triển tốt thì nên trồng ở đất phù sa, đất thịt, đất đỏ bazan. Đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, bón phân định kỳ.

Thường xuyên cắt tỉa, tạo tán khi cây cao từ 1m trở nên. Tỉa bỏ những cành khô yếu để cây được thông thoáng.

Theo dõi tình trạng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Cây Mít có thế bị tấn công bởi các loài sâu bệnh như sâu đục thân, ruồi đục trái, bệnh thối gốc, bệnh rệp.

Nhân giống cây bằng cách gieo hạt, giâm cành, ghép cành, chiết cành.

Cây ăn trái Mận

Cây Mận (hay cây mận chuông, mận đỏ, cây roi) có tên khoa học là Syzygium samarangense, thuộc họ Sim. Đây là một loài cây được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới.

Đặc điểm của Cây Mận

Thân gỗ, vỏ xù xì, phân nhiều cành nhánh, chiều cao cây có để đạt 10m.

Lá mọc đối, hình bầu dục, nhọn đầu, dài từ 10-25 cm.

Hoa màu trắng và trắng vàng, đường kính khoảng 2.5cm. Gồm nhiều nhị tỏa đều như pháo bông. Mọc thành chùm từ nách lá hoặc trên thân và cành cây.

Quả hình chuông, dài khoảng 6cm, màu đỏ, hồng, trắng hoặc xanh. Thịt dày, màu trắng hoặc trắng hồng, xốp, mọng nước, vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ.

Các lưu ý khi trồng cây Mận 

Cây Mận ưa sáng, nên trồng ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Cây thường được trồng lấy bóng mát trong sân vườn biệt thự.

Đất trồng nên là đất thịt hay đất đỏ bazan, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Khả năng chịu khô hạn tốt. Tuy nhiên để cây phát triển tốt thì nên tưới nước thường xuyên. Tưới 2 lần mỗi ngày khi cây còn nhỏ và giảm dần khi cây trưởng thành.

Thường xuyên cắt tỉa những nhánh yếu, sâu bệnh, bỏ những nhánh thấp giúp cây thông thoáng.

Cây có thể bị tấn công bởi các loài sâu bệnh như sâu đục thân, sâu ăn lá, nấm thân, rệp sáp. Cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhân giống cây bằng cách giâm cành, chiết cành.

Vui lòng liên hệ với công ty Hữu Thiên theo số điện thoại / zalo 0983.73.83.27 để được tư vấn. Thiết kế sân vườn đẹp với những loại cây ăn trái bóng mát phù hợp với không gian sân vườn.

Cây bóng mát sân vườn

Posted on: May 12th, 2024 by Công ty Hữu Thiên No Comments

Đối với cảnh quan sân vườn, bóng mát từ những cây xanh lớn là rất cần thiết. Những tán cây lớn không những có tác dụng che nắng, làm mát, thanh lọc không khí, mà còn mang đến vẻ đẹp cho không gian, gần gũi với thiên nhiên. Cây bóng mát được ưa chuộng thường có dáng đẹp, tán lá cân đối, cho bóng mát rộng, màu sắc hoa đẹp. Hãy cùng Hữu Thiên điểm danh một số loại cây bóng mát đẹp, phù hợp trang trí sân vườn, cảnh quan đô thị như bài viết sau đây.

Các loại cây bóng mát sân vườn

Cây Lộc Vừng

Cây Bằng Lăng Tím

Cây Phượng Vĩ

Cây Muồng Hoàng Yến

Cây Bàng Đài Loan

Cây Kèn Hồng

Cây Phong Linh Vàng

Cây Lim Xẹt

Cây Giáng Hương Đuôi Công

Cây Móng Bò Tím

Cây Sala Đầu Lân

 

Cây Lộc Vừng

Cây Lộc Vừng (hay cây Lộc Mưng) có tên khoa học là Barringtonia acutangula, thuộc họ Lộc Vừng. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ vùng đất ven biển Nam Á và Bắc Úc.

Đặc điểm của Cây Lộc Vừng

Thân gỗ, rễ cọc, vỏ nâu xù xì, nứt dọc, đường kính thân cây trưởng thành khoảng 40 đến 50cm, cao có khi đến 15m. Cây phân nhiều cành nhánh, tán rộng.

Lá đơn, phiến to, hình bầu dục, thuôn nhọn dần về phía cuống, lá non màu đỏ tía và chuyển dần thành xanh, mép gợn sóng, gân nổi rõ.

Hoa nhỏ, kết thành chuỗi rủ xuống, dài từ 6 – 20cm, màu đỏ thắm, có hương thơm nhẹ. Cây ra hoa mỗi năm 2 lần, khoảng vào tháng 5 – 6 và tháng 10 – 11 âm lịch.

Quả hình cầu, cứng, màu vàng nâu.

Các lưu ý khi trồng cây Lộc Vừng

Cây lộc vừng ưa nắng, thích hợp trồng ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Cây có thể trồng lấy bóng mát hoặc trồng trong chậu, tạo dáng bonsai trang trí sân vườn. Đây là cây được cho là mang đến tài lộc cho gia chủ.

Cây ưa ẩm, nhu cầu nước trung bình, nên tưới nước thường xuyên cho cây và tránh ngập úng.

Đất trồng nên là đất thịt, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Cây không chịu được đất nhiễm phèn và mặn.

Khi cây có quá nhiều cành nhánh, nên thực hiện cắt bỏ những cành bị che khuất, để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi các cành còn lại khỏe mạnh.

Các bộ phận của cây Lộc Vừng có nhiều tác dụng trong y học, có thể được bào chế để điều trị một số bệnh như: lá dùng để chữa tiêu chảy, kiết lị; rễ cây dùng để trị sởi, hạ sốt, ho, long đờm, nấm da; quả Lộc Vừng trị hen suyễn, ho, chàm; hạt trị đau bụng, tiêu chảy.

 

Cây Bằng Lăng Tím

Cây Bằng Lăng Tím có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa, thuộc họ Bằng Lăng (họ Tử Vi). Đây là một loài cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Á.

Đặc điểm của Cây Bằng Lăng Tím

Thân gỗ, thẳng, phân cành nhánh cao. Chiều cao cây có thể đạt 15m.

Lá hình bầu dục, phiến lá to, dài từ 8-15cm. Cây thường rụng lá vào mùa thu.

Hoa có 6 cánh mỏng, màu tím hay tím hồng, kết thành chùm ở đầu cành. Cây cho hoa vào đầu mùa hè.

Quả hình cầu, đường kính khoảng 2 cm, quả non màu xanh tím và chuyển màu nâu khi già.

Các lưu ý khi trồng cây Bằng Lăng Tím

Cây Bằng Lăng ưa sáng, thích hợp trồng ở nơi đầy đủ ánh nắng mặt trời. Sắc tím của hoa khiến không gian trở nên lãng mạn mỗi khi vào mùa hoa Bằng lăng nở. Cây có dáng thẳng, dễ trồng và dễ chăm sóc, thường được sử dụng làm cây công trình trồng đường phố, cảnh quan đô thi, công viên.

Đất trồng nên là đất mùn giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Nhân giống cây bằng lăng bằng cách gieo hạt.

Cây bằng lăng có chất gỗ dẻo, màu vàng nâu, thích hợp dùng để đóng thuyền, đồ gỗ nội thất.

Vỏ, lá, hoa và quả của cây Bằng Lăng có thể bào chế thuốc uống chữa các bệnh như tiêu chảy, tiểu đường, giúp giảm cân, lợi tiểu…

 

Cây Phượng Vĩ

Cây phượng vĩ (hay cây Phượng vỹ, xoan tây) có tên khoa học là Delonix regia, thuộc họ Đậu. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ Madagascar.

Đặc điểm của Cây Hoa Phượng Vĩ

Thân gỗ, phân nhiều nhánh lớn. Chiều cao của cây trưởng thành từ 10-20 m. Tuổi thọ của cây khoảng 50 năm.

Rễ bàn, rễ chùm, to và có xu hướng lan rộng.

Lá kép lông chim, dài khoảng 30-50cm, có từ 20-40 cặp lá chét lớn, mỗi lá chét lớn có từ 10-20 cặp lá chét nhỏ, màu xanh lục sáng, tán lá tỏa rộng và dày. Cây rụng lá vào mùa đông.

Hoa có 5 cánh, trong đó 4 cánh xòe rộng, dài khoảng 8cm, màu đỏ tươi hay đỏ cam, cánh thứ 5 lớn hơn một chút, mọc thẳng, màu đốm trắng, vàng, đỏ. Hoa có mùi thơm nhẹ, mọc thành chùm ở ngọn cành. Hoa nở vào đầu mùa hè.

Quả dài khoảng 60cm, rộng khoảng 5cm, màu nâu sẫm khi chín, hạt nhỏ tròn cỡ đầu đũa, giống hạt đậu. Hạt có vị bùi, ăn được.

Các lưu ý khi trồng cây hoa phượng vĩ

Cây Phượng Vĩ ưa sáng, thích hợp trồng ở nơi nhiều ánh nắng mặt trời. Với màu sắc rực rỡ của hoa nở rộ vào đầu mùa hè, hoa phượng vĩ là biểu tượng của tuổi học trò. Cây được yêu thích trồng ở sân trường, dọc đường phố, sân vườn.

Phượng vĩ phát triển tốt ở khí hậu nhiệt đới, chịu được khô hạn và đất mặn.

Sau khi trồng, cây cần được tưới nước thường xuyên 1-2 lần mỗi ngày tùy điều kiện thời tiết.  Lượng nước tưới có thể giảm khi cây trưởng thành.

Cây không kén đất, tuy nhiên nên trồng ở nơi đất rộng, giàu dinh dưỡng để cây phát triển bộ rễ nhanh và sinh trưởng tốt. Bón phân cho cây trước thời kỳ ra hoa.

Nhân giống cây phượng vỹ bằng cách gieo hạt.

Gỗ cây phượng vỹ có thể dùng trong xây dựng hoặc đồ gỗ dân dụng. Vỏ cây có thể bào chế làm thuốc trị sốt rét, giảm huyết áp, đầy bụng, tê thấp. Lá có thể trị tê thấp và đầy hơi.

 

Cây Muồng Hoàng Yến

Cây Muồng Hoàng Yến (hay cây Bò cạp vàng, cây Hoàng Hậu, cây Osaka Vàng, cây Bò Cạp Nước) có tên khoa học là Cassia fistula, thuộc họ Đậu. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và Đông Nam Á. Hoa Bò Cạp Vàng là quốc hoa của Thái Lan.

Đặc điểm của Cây Muồng Hoàng Yến

Thân gỗ, vỏ xám trắng, vỏ thịt màu hồng. Chiều cao trung bình khoảng 5m.

Lá kép lông chim, dài từ 15-60cm, với 3-8 cặp lá chét. Lá chét hình bầu dục, đầu nhọn, dài từ 7-21cm, rộng từ 4-9cm, màu xanh nhạt.

Hoa có 5 cánh, đường kính từ 4-7cm, màu vàng tươi, kết thành chùm rủ dài từ 20-40cm. Cây cho hoa từ tháng 5-11.

Quả dạng quả đậu, dài từ 20-60cm, hình trụ dài, chứa nhiều hạt hình trái xoan.

Các lưu ý khi trồng cây Muồng Hoàng Yến

Cây Muồng Hoàng Yến ưa sáng, thích hợp trồng cây nơi có đầy đủ ánh sáng mặt trời. Hoa nở rộ với những chùm rủ dài mang sắc vàng tươi sáng, cây được ưa chuộng trồng lấy bóng mát và trang trí cảnh quan đường phố, công viên, hay trong sân vườn nhà biệt thự, khu du lịch.

Tưới nước thường xuyên 2-3 ngày một lần là cần thiết để cây sinh trưởng.

Cây không kén đất, tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh thì nên trồng ở đất kiềm, tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng, bón phân định kỳ.

Nhân giống cây bằng cách gieo hạt.

Cây Osaka có vỏ thịt màu hồng, dày từ 6–8 mm, có thể dùng làm thuốc nhuộm màu đỏ. Gỗ cây có thể dùng trong xây dựng, làm đồ gia dụng. Hạt của cây Bò cạp vàng có chứa chất Bisacodyl, được sử dụng làm thuốc nhuận tràng kích thích, giảm táo bón cấp và mãn tính.

 

Cây Bàng Đài Loan

Cây Bàng Đài Loan (hay cây Bàng Lá Nhỏ) có tên khoa học là Terminalia mantaly, thuộc họ Bàng. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Madagascar.

Đặc điểm của Cây Bàng Đài Loan

Thân gỗ, nhỏ và thẳng, vỏ màu xám nhạt, phân cành nhánh thành tầng tán. Chiều cao cây trung bình từ 10-20 m.

Lá đơn, hình trái xoan ngược, dài khoảng 5cm, phiến nhẵn bóng, mép nguyên, màu xanh sáng lúc non và chuyển dần sang xanh sẫm. Đối với cây bàng cẩm thạch, lá có hai màu xanh và trắng. Cây rụng lá vào mùa thu hoặc mùa đông.

Hoa lưỡng tính, nhỏ, màu xanh nhạt, mọc thành cụm dài 5 cm. Cây ít ra hoa.

Quả hạch, hình bầu dục, dài khoảng 1,5 cm.

Các lưu ý khi trồng cây Bàng Đài Loan

Cây Bàng Đài Loan ưa sáng, phát triển tốt ở nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời. Cây có lá nhuyễn với tán xòe rộng theo các tầng đẹp mắt, Bàng Đài Loan được ứng dụng rộng rãi trong cảnh quan đô thị như trồng dọc lối đi, trang trí sân trường, nhà hàng, sân vườn biệt thự.

Cây có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nóng và lạnh.

Tốc độ phát triển của cây trung bình.

Đất trồng nên là đất giàu chất dinh dưỡng, thoát nước tốt.

Cây không cần cắt tỉa cành nhánh thường xuyên. Tuy nhiên, nên quét dọn trong thời gian cây rụng lá để giữ vệ sinh khu vực trồng cây.

 

Cây Kèn Hồng

Cây Kèn Hồng (hay cây Chuông Hồng) có tên khoa học là Tabebuia rosea, thuộc họ Chùm Ớt. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ.

Đặc điểm của Cây Kèn Hồng

Thân gỗ, đường kính thân trung bình khoảng 50cm, cao từ 5-30m, rễ cọc, phân nhiều cánh nhánh, tán cây hình dù.

Lá kép, hình bầu dục thuôn, lá dài từ 3-12 cm, phiến nhẵn, mép nguyên.

Hoa hình chuông, 5 cánh xòe, mép lượn sóng, màu hồng phấn, kết thành chùm từ 4-7 hoa. Cây rụng lá và ra hoa vào mùa khô, thường từ tháng 4 đến tháng 6.

Quả hình trụ, dài từ 7-16cm, hạt có cánh.

Các lưu ý khi trồng cây Kèn Hồng

Cây Kèn hồng ưa sáng, phát triển tốt ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Thân cao xòe tán hình dù tạo bóng mát. Vào mỗi dịp ra hoa, màu hoa hồng phấn nở rộ đẹp mắt. Do vậy, cây Kèn Hồng được ưa chuộng trồng để lấy bóng mát và tạo cảnh quan cho đường phố, công viên, khu công nghiệp, hoặc trồng trong sân vườn biệt thự.

Cây ưa ẩm, nên tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho cây và tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Cây không kén đất, nhưng phù hợp nhất vẫn là đất thịt, giàu dinh dưỡng, có độ ẩm, tơi xốp, thoát nước tốt, bón phân định kỳ.

Cây kèn hồng được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành. Trong đó, giâm cành là phương pháp nhanh và hiệu quả hơn.

Cây có thể bị tấn công bởi sâu bọ, côn trùng. Do vậy, cần theo dõi nên phun thuốc diệt côn trùng kịp thời, có thể bôi vôi quanh gốc để bảo vệ cây.

Vỏ cây Kèn Hồng có thể được bào chế làm thuốc chữa các bệnh như ký sinh trùng đường ruột, bệnh sốt rét, thiếu máu, ung thư tử cung. Nước sắc từ hoa, lá và rễ được dùng để hạ sốt, giảm đau, gây đổ mồ hôi, điều trị viêm amidan.

 

Cây Phong Linh Vàng

Cây Phong Linh Vàng (hay cây Chuông Vàng núi, cây Kèn bạc hoa vàng, cây Kèn vàng) có tên khoa học là Tabebuia aurea, thuộc họ Chùm Ớt. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ.

Đặc điểm của Cây Phong Linh Vàng

Thân gỗ nhỏ, vỏ màu xám trắng, có lằn sọc, rễ cọc. Chiều cao cây trung bình từ 5-8m, đường kính gốc khoảng 15cm.

Lá dạng kép chân vịt, hình bầu dục thuôn, dài từ 6-18cm, phiến nhẵn bóng, mép nguyên, gân lá hình xương cá.

Hoa hình chuông, màu vàng tươi, đường kính khoảng 6.5cm, mọc thành chùm ở đầu cành. Cây hầu như rụng hết lá và cho hoa nở rộ vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5.

Quả nang, thon, dài khoảng 8-10cm, màu đen.

Các lưu ý khi trồng cây Phong Linh Vàng

Cây Phong Linh vàng ưa sáng, phát triển tốt ở nơi thoáng đãng, có nhiều ánh sáng mặt trời. Thân thẳng, không quá lớn và nở rộ hoa vàng rực rỡ, cây phong linh thường được trồng lấy bóng mát và trang trí cảnh quan tại các công viên, khu đô thị, sân vườn biệt thự.

Cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tốc độ sinh trưởng nhanh.

Khả năng chịu úng của cây kém, do vậy nên trồng ở những nơi đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng.

Khi mới trồng, cây cần được tưới nước thường xuyên 1-2 lần mỗi ngày và giãn dần khi cây trưởng thành.

Thường xuyên cắt bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, khô, yếu để tránh gãy đổ gây nguy hiểm và để tán cây đẹp hơn. Bón phân định kỳ cho cây.

Nhân giống cây Phong Linh bằng cách gieo hạt hay giâm cành.

 

Cây Lim Xẹt

Cây Lim Xẹt (hay cây Phượng vàng, cây Muồng Kim Phượng, cây Lim Sét) có tên khoa học là Peltophorum pterocarpum, thuộc họ Đậu. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Đông Nam Á.

Đặc điểm của Cây Lim Xẹt

Thân gỗ, vỏ màu xám trắng, chiều cao trung bình khoảng 3-4m. Trong điều kiện phát triển tốt, cây có thể cao đến 25m, đường kính thân lên đến 1m.

Lá kép lông chim hai lần, hình thuôn dài, đầu tròn, cành và lá non có lông màu rỉ sét.

Hoa dạng chum, màu vàng, đường kính 2,5-4 cm, kết thành chùm lớn ở đầu cành. Cây thường cho hoa vào mùa hè.

Quả hình đậu, dẹp dài khoảng 5-10cm, có cánh, chứa từ 2-4 hạt nhỏ.

Các lưu ý khi trồng cây Lim Xẹt

Cây Lim Xẹt ưa sáng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tán lá tròn đều và hoa vàng đẹp, đây là loại cây công trình được trồng rộng rãi tạo bóng mát trên đường phố, công viên, trường học. Ngoài ra, cây Lim Xẹt cũng rất đẹp khi trồng ở nơi có khuôn viên rộng như sân vườn biệt thự, khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Cây có khả năng chịu nắng nóng, khô hạn, sinh trưởng tốt trong nhiều điều kiện khác nhau như miền núi, trung du, hay vùng đất cát ven biển.

Nhân giống cây bằng cách gieo hạt.

Gỗ của cây lim xẹt tương đối cứng và chắc chắn, có thể được sử dụng trong ngành xây dựng, đồ gia dụng.

 

Cây Giáng Hương Đuôi Công

Cây Giáng Hương Đuôi Công (hay cây Dáng Hương Thái) có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus kurz, thuộc họ Đậu. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á.

Đặc điểm của Cây Giáng Hương Đuôi Công

Thân gỗ, mọc thẳng, vỏ trơn nhẵn, không nứt dọc và không có mủ màu đỏ như cây Giáng Hương Huyết, chiều cao trung bình từ 10-30m.

Lá kép lông chim, hình bầu dục, nhọn đầu, kích thước to hơn lá của cây Giáng Hương Đỏ, cành nhánh mảnh, rủ xuống và xèo rộng như đuôi chim công.

Hoa màu vàng nghệ, mùi thơm, mọc thành chùm dài từ 5-9cm. Cây ra hoa từ tháng 1 đến tháng 4.

Quả có rìa xung quanh tròn dẹt, màu vàng nâu, đường kính từ 5-8cm, chứa từ 1-4 hạt bên trong.

Các lưu ý khi trồng cây Giáng Hương Đuôi Công

Cây Giáng Hương Đuôi Công ưa sáng, thích hợp trồng ở nơi nhiều ánh nắng mặt trời.

Khác với Giáng Hương Đỏ (Giáng Hương Huyết) là loại cây gỗ quý được trồng chủ yếu để khai thác gỗ, cây Giáng Hương Đuôi Công không cho gỗ quý, nhưng tán lá phát triển nhanh, cân đối và tỏa đều, hiệu quả trong việc tạo bóng mát. Bên cạnh đó, đến mùa hoa nở, màu vàng phủ đầy cây rất đẹp. Đây là cây công trình được sử dụng nhiều trên đường phố, khu đô thị.

Cây có tốc độ phát triển tương đối nhanh, thích hợp với khí hậu ở nước ta.

Khả năng phát triển tốt trên nhiều loại đất, tuy nhiên để cây phát triển tốt thì nên trồng ở đất tơi xốp, giau dinh dưỡng, thoát nước tốt.

Nhân giống cây Giáng Hương bằng hạt.

 

Cây Móng Bò Tím

Cây Móng Bò Tím (hay cây Hoa Ban Tím) có tên khoa học là Bauhinia purpurea, thuộc họ Đậu. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ và Myanmar.

Đặc điểm của Cây Móng Bò Tím

Thân gỗ nhỏ, vỏ sần sùi màu xám phân nhiều cành nhánh, tán rộng và thưa. Chiều cao cây trung bình khoảng 2-6m.

Lá to khoảng 10-15 cm, tròn và có hai thùy ở gốc và đầu lá trông giống móng bò, mặt trên nhẵn, có từ 9-11 gân bên, cuống dài khoảng 4 cm.

Hoa gồm 5 cánh thưa, màu tím và tím hồng, mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành, mùi thơm dịu nhẹ. Cây cho hoa quanh năm.

Quả dẹt, thuôn dài khoảng 30 cm, chứa khoảng 10 hạt.

Các lưu ý khi trồng cây Móng Bò Tím

Cây Móng Bò Tím ưa sáng, thích hợp trồng ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Với hình dáng đẹp của thân và lá, tán phủ rộng kèm màu hoa tím mộng mơ, cây Móng Bò Tím thường được trồng lấy bóng mát, tạo cảnh quan dọc trên các đường phố, công viên.

Cây dễ trồng và dễ chăm sóc, tốc độ phát triển nhanh.

Để cho cây phát triển tốt, nên trồng cây trên đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt.

Nhu cầu nước của cây trung bình, nên tưới nước khoảng 3 ngày 1 lần tùy điều kiện thời tiết.

Bón phân định kỳ nhất là sau mỗi đợt ra hoa để cây phục hồi sức khỏe và cho hoa vào đợt tiếp theo.

Nhân giống cây móng bò bằng hạt.

Trong y học cổ truyền, lá của cây Móng Bò có thể được sử dụng để điều trị ho; vỏ cây được sử dụng chữa bệnh lao, bệnh ngoài da, lở loét, làm thuốc giải độc; hoa làm thuốc nhuận tràng.

 

Cây Đầu Lân

Cây Đầu Lân (hay cây Ngọc Kỳ Lân, cây Hàm Rồng) có tên khoa học là Couroupita guianensis, thuộc họ Lộc Vừng. Đây là một loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ.

Nhiều nơi ở châu Á, cây Đầu Lân được xem như là cây Sala, mang ý nghĩa văn hóa và tôn giáo.

Đặc điểm của Cây Đầu Lân

Thân gỗ, vỏ sần sùi màu nâu, tán rộng. Chiều cao cây có thể đạt 35 m, đường kính từ 20-60 cm.

Lá hình bầu dục nhọn đầu, dài trung bình từ 8-31 cm, mọc thành cụm ở đầu cành.

Hoa gồm 6 cánh chính, màu đỏ hồng, đường kính khoảng 6 cm, mọc quanh thân cây từ gốc, chùm hoa dài khoảng 1m, tỏa mùi thơm vào ban đêm và sáng sớm. Cây cho hoa vào tháng 2 đến tháng 5.

Quả hình cầu, vỏ cứng màu nâu, đường kính khoảng 15-25 cm, chứa khoảng 65-550 hạt. Quả có mùi khó chịu. Một cây có thể cho 150 quả.

Các lưu ý khi trồng cây Đầu Lân

Cây Sala Đầu Lân ưa sáng, nên trồng ở những nơi thoáng mát, có nhiều ánh nắng mặt trời. Tán cây khá rộng cùng với hoa và trái mọc trên cuống dài, xòe xung quanh cây rất độc đáo và khác biệt, cây thích hợp trồng trong đình, chùa, miếu, trong công viên, khu nghỉ dưỡng, vườn sau nhà nơi có khuôn viên rộng.

Đất trồng nên là đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt.

Nhân giống cây bằng cách gieo hạt hoặc chiết cành.

Quả của cây Đầu Lân có mùi khó chịu, tuy nhiên vẫn có thể dùng làm thức ăn cho vật nuôi như lợn và gia cầm.

Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, khối u, viêm đau, cảm lạnh, đau dạ dày, sốt rét và đau răng.

Quả và hoa có thể làm thuốc nhuộm màu xanh tương tự như cây chàm.

 

Vui lòng liên hệ với công ty Hữu Thiên theo số điện thoại / zalo 0983.73.83.27 để được tư vấn, thiết kế cảnh quan với những loại cây được bố trí phù hợp với không gian sân vườn.

3 cây Phúc sân vườn

Posted on: May 3rd, 2024 by Công ty Hữu Thiên No Comments

Tên Phúc mang ý nghĩa tốt đẹp của sự hạnh phúc, may mắn và sung túc. Trong sân vườn, một số loài cây có tên Phúc được ưa chuộng để tạo cảnh quan, không những mang đến sự xanh mát, thẩm mỹ và nhiều lợi ích khác, những cây này còn tượng trưng cho phúc lành đến với gia đình. Hãy cùng Hữu Thiên tìm hiểu về 3 loại cây tên Phúc, được ứng dụng phổ biến trong trang trí sân vườn, cảnh quan đô thị như bài viết sau đây.

3 cây Phúc sân vườn

Cây Phúc

Cây Phúc Lộc Thọ

Cây Mai Vạn Phúc

Cây Phúc

Cây Phúc (hay cây Phước) có tên khoa học là Garcinia Subelliptica, thuộc họ Bứa. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ những khu rừng ven biển Đông và Đông Nam Á.

Đặc điểm của Cây Phúc

Thân gỗ, dáng mọc thẳng, vỏ màu nâu xám, cành có lông, tán lá xum xuê theo hình tháp. Cây phát triển chậm nhưng có thể cao đến 20m.

Rễ cọc đâm sâu vào đất cùng với chùm rễ phụ giúp cây đứng chắc chắn

Lá hình oval thuôn, đầu lá gần tròn, phiến lá dày, màu xanh bóng, mọc đối. Cây rụng lá vào mùa thu.

Hoa gồm 5 cánh màu vàng xanh, mọc thành chùm ở nách lá. Hoa thường nở vào mùa hè.

Quả mọng, hình cầu, đường kính khoảng 3 đến 5cm, màu xanh khi non và chuyển sang màu cam vàng khi chín, có 1 đến 4 hạt.

Các lưu ý khi trồng cây Phúc

Cây phúc ưa sáng, chịu nắng hoàn toàn hay bóng một phần. Với bộ rễ bao gồm rễ cọc và chùm rễ phụ chắn chắn, cây rất vững vàng trong điều kiện giông lốc, gió bão, và được trồng nhiều ở các vùng ven biển với tác dụng chắn gió. Bên cạnh đó là dáng mọc cao thẳng, tán lá đẹp mắt với hình tháp, cây Phúc phù hợp trồng dọc hai bên đường, giải phân cách, viền lối đi, làm hàng rào cây, hoặc trồng trong chậu trang trí nội thất.

Cây phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Nhiệt độ lý tưởng cho cây ở khoảng 20 – 32 độ C.

Khả năng chịu hạn của cây tốt. Tuy nhiên, cây ưa ẩm, nên tưới nước thường xuyên 1-2 lần mỗi ngày để cây phát triển tốt, tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Đất trồng nên là đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt, bón phân khoảng 6 tháng 1 lần.

Sắc tố có trong vỏ cây có thể làm thuốc nhuộm màu vàng.

Cây Phúc Lộc Thọ

Cây Phúc Lộc Thọ (hay cây Phước Lộc Thọ, cây Lộc Xoan) có tên khoa học là Costus woodsonii, thuộc họ Mía dò. Đây là loài cây có nguồn gốc từ nguồn gốc từ Costa Rica, Nicaragua, Panama và Colombia.

Đặc điểm của cây Phúc Lộc Thọ

Thân thảo, phân nhiều cành từ gốc, cao từ 50-70 cm.

Lá hình trái xoan thuôn dài, nhọn đầu, màu xanh mướt, bề mặt nhẵn, bóng, mép nguyên, gân giữa nổi rõ, có bẹ ôm thân.

Hoa chưa nở giống như trái ớt, đầu nhọn hướng lên trên, dài từ 5-10cm, mọc ở ngọn cành, màu đỏ và chuyển sang màu đỏ cam khi hoa nở. Cây Phúc Lộc Thọ cho hoa quanh năm

Các lưu ý khi trồng cây Phúc Lộc Thọ

Cây Phúc Lộc Thọ ưa sáng và chịu bóng bán phần. Hoa nở nhiều hơn khi trồng ở nơi có ánh sáng mặt trời. Với dáng hoa đặc biệt hiếm có và lâu tàn, cây Phúc Lộc Thọ rất được ưa chuộng trồng trong bồn hoa, viền lối đi trong công viên, tòa nhà, biệt thự, khu du lịch.

Nhu cầu nước của cây khá cao, cần tưới nước thường xuyên tùy điều kiện thời tiết. Tưới toàn bộ cây từ lá xuống gốc và tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Đất trồng nên là đất thịt trộn tro trấu, xơ dừa, phân bón. Đất cần tơi xốp, thoát nước tốt và lưu giữ độ ẩm cần thiết để cây phát triển.

Nhân giống cây phúc lộc thọ dễ dàng bằng cách tách bụi.

Cây rất ít sâu bệnh, tuy nhiên nên được cắt tỉa định kỳ, loại bỏ nhánh già, lá héo vàng, để cây gọn gàng, tránh rậm rạp dẫn đến các loại nấm mốc, sâu bệnh.

Cây Mai Vạn Phúc

Cây Mai Vạn Phúc (hay Mai Tiểu Thư) có tên khoa học là Tabernaemontana dwarf, thuộc họ Trúc đào. Đây là loài cây có nguồn gốc từ vùng Sri Lanka.

Đặc điểm của cây Mai Vạn Phúc

Lá tương tự hoa chiếu thủy, hình trái xoan, nhọn đầu, dài khoảng 3-4cm, màu xanh bóng, lá đơn mọc đối.

Thân gỗ, phân nhiều cành và nhánh nhỏ tạo thành dạng hình cầu tự nhiên, chiều cao cây từ 1-2m, tán xòe rộng từ 1-1.5m.

Hoa màu trắng, tâm màu vàng, có 5 cánh, mọc trên một cọng dài kết thành chùm ở ngọn nhánh hay kẽ lá. Hoa nở hướng lên trên trời.

Nở hoa quanh năm.

Các lưu ý khi trồng cây Mai Vạn Phúc

Cây ưa sáng, phát triển tốt và ra hoa khi có nắng. Cây có thể trồng ở khu vực mát, có bóng râm nhưng sẽ ít ra hoa. Cây Mai Vạn Phúc thường được trồng làm viền lối đi, hoặc trồng thành những cụm nhỏ kết hợp với các yếu tố khác để tạo tiểu cảnh sân vườn.

Cây ưa đất ẩm, cần tưới nước thường xuyên, đầy đủ và phải đảm bảo thoát nước tốt, Mai Vạn Phúc không chịu được ngập úng.

Đất cho cây cần giàu dinh dưỡng và tơi xốp.

Vui lòng liên hệ với công ty Hữu Thiên theo số điện thoại / zalo 0983.73.83.27 để được tư vấn, thiết kế sân vườn đẹp, tiểu cảnh sân vườn, phủ xanh không gian sống với những loại cây phù hợp cùng với ý nghĩa tốt lành, mang lại vận khí tốt cho gia đình.

Footer Example
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon